Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Môi trường và văn minh đô thị 2010: Thay đổi thói quen xài túi nylon của người dân


Kết quả khảo sát mới nhất của Quỹ Tái chế chất thải (TCCT) TP.HCM cho thấy lượng túi nylon được sử dụng trong các siêu thị rất cao. Hiện nay, trung bình mỗi siêu thị dùng 9.890 kg túi nylon/tháng, cao gấp 5,5 lần các chợ và 8,8 lần các trung tâm thương mại.


Bắt đầu từ các siêu thị
Để hạn chế túi nylon, trong ba năm gần đây, nhiều siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TP đã có các chiến dịch tuyên truyền, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng túi môi trường. Tuy nhiên, hiệu quả của việc này chỉ thể hiện rõ nhất tại hệ thống siêu thị metro Cash & Carry Việt Nam. Khởi đầu từ năm 2007 với các chương trình “Metro cùng khách hàng bảo vệ môi trường”, “Túi sử dụng nhiều lần”, đến nay hệ thống siêu thị metro trên toàn quốc đã ngừng hoàn toàn việc cung cấp miễn phí túi nylon. Thay vào đó, khách hàng có thể mua loại túi xách sử dụng nhiều lần làm bằng sợi tổng hợp có bán tại metro để đựng hàng.
“Hiện nay, hầu hết rác nylon đều được xử lý bằng cách chôn lấp với chi phí khoảng 300.000 đồng/tấn. Như vậy, chỉ tính riêng trong hệ thống metro, chương trình “Túi sử dụng nhiều lần” đã tiết kiệm được cho ngân sách mỗi năm hơn 100 triệu đồng” - ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ TCCT, tính toán.
Thời gian qua, các hệ thống siêu thị Big C, Saigon Co.op cũng khuyến khích khách hàng sử dụng túi môi trường bằng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn và hiện các siêu thị này vẫn phải dùng túi nylon bao gói hàng hóa cho người tiêu dùng.




Chị Trần Thị Mai Trang, phòng Marketing Saigon Co.op, cho biết: Từ giữa năm 2009, hệ thống Co.op Mart bắt đầu đưa túi môi trường vào sử dụng nhưng chỉ khoảng 10% khách hàng mang theo túi khi mua sắm. “Thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng túi môi trường và hy vọng họ sẽ dần thay đổi thói quen” - chị Trang cho hay.
Chỉ còn chờ quy định cụ thể
Theo Quỹ TCCT, có 71% người dân được hỏi lựa chọn túi tự hủy thay thế cho túi nylon truyền thống, 18,6% lựa chọn túi giấy, 4% chọn vật liệu không gây hại cho môi trường. Số ít còn lại (gần 7%) vẫn chọn phương án sử dụng túi nylon khi mua sắm. “Như vậy, đa số người dân đều nhận thức được việc cần phải hạn chế, tiến tới loại bỏ túi nylon để thay thế bằng các loại túi thân thiện với môi trường. Đây chính là nền tảng để bắt đầu cho việc triển khai các giải pháp thực tế” - ông Khoa nhận định.

  Cũng theo ông Khoa, cần sớm có các chủ trương, chính sách và giải pháp cụ thể trong việc hạn chế túi nylon. Bên cạnh giải pháp như khuyến khích thị trường tiêu thụ sản phẩm bao bì tái chế, bao bì môi trường, TP cũng đã từng tính đến biện pháp thu thuế sản xuất/sử dụng túi nylon, cấm phân phát túi nylon miễn phí… Tuy nhiên, kết quả thăm dò tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại cho thấy việc cấm phân phát túi nylon vào thời điểm hiện nay khó khả thi.
“Đánh thuế sản xuất/sử dụng túi nylon xem ra cũng chưa khả quan lắm. Nếu nhà nước đánh thuế sản xuất, chắc hẳn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ đồng ý nhưng sau đó họ lại tính thêm chi phí vào giá thành sản phẩm. Cuối cùng, người phải chịu thuế lại chính là người tiêu dùng” - ông Khoa phân tích. Như vậy, phương án giảm thiểu túi nylon bằng cách thay bằng túi tự hủy xem ra khả quan nhất. Theo Quỹ TCCT, hơn 70% người dân được hỏi sẵn lòng chi trả cho túi tự hủy với mức giá chấp nhận được là 500 đồng/túi. Nếu túi đẹp, sử dụng được nhiều lần, họ chấp nhận trả từ 5.000 đồng/túi trở lên.
“Đây chính là cơ sở để nhà sản xuất đưa ra các sản phẩm phù hợp với yêu cầu người dân. Nhận thức của người dân TP về bảo vệ môi trường đã được nâng cao, chỉ còn chờ có quy định cụ thể nữa mà thôi” - ông Khoa nói.

Theo PLTPHCM

3 nhận xét:

  1. tin rat hay, toi can mua 5000 chiec tui nhu vay de ban thu xem sao, nhung chua biet lien he voi ai? o dau de mua duoc san pham? hay giup toi..sdt 0903106847 gap chi sinh. hoac sdt 0904906202 gap a.hoang de giao dich..

    Trả lờiXóa